Giới thiệu thắng cảnh, lễ hội, văn học và ẩm thực Hà Tiên

mui-nai-ha-tien-small

Khu du lịch Mũi Nai – Hà Tiên

Thắng Cảnh Hà Tiên
Nói đến Hà Tiên người ta thường nhớ ngay đến “thập cảnh” trong thơ Mạc Thiên Tích. Nhưng đó chỉ là 10 cảnh đẹp xưa theo Mạc Thiên Tích. Ngày nay ngoài 10 cảnh đó Hà Tiên còn có nhiều cảnh đẹp khác. Hầu hết các thắng cảnh đều trải dài theo con đường ven biển như Bãi Dương, Hòn Trẹm, Hòn Chông, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử, Hang Tiền, Núi Mo So, Núi Tô Châu, Thạch Động, v v . . .

Nhà thơ Đông Hồ, người Hà Tiên, đã có những nhận định đặc biệt về cảnh đẹp Hà Tiên như sau: “Muốn đem so sánh với những danh lam thắng tích, muốn đem so sánh với những danh sơn đại xuyên, thì phong cảnh Hà Tiên thực hãy còn thua kém nhiều nơi lắm. Nhưng mà Hà Tiên dễ yêu, dễ cảm nhiểm người, vì ở đó núi rừng không cao rậm lắm, đến cho người ngắm hải hùng, biển hồ không sâu rộng lắm, đến cho người nhìn kinh sợ. Ở đó như một cảnh giả sơn thân mật, trong hoa viên, mỗi cảnh nhỏ nhỏ xinh xinh vừa đủ để cho tầm ngoạn thưởng.

Ở đó kỳ thú thay, như hầu đủ hết.

Có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất, sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải.

Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ; Ở đây chỉ nhỏ nhắn xinh xinh, mà cảnh nào cũng có.
Phân tích được điều đó, rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến để say lòng.

Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, Văn Học Miền Nam – Văn Học Hà Tiên, Quình Lâm xuất bản, 1970, tr. 27).

Bên cạnh thắng cảnh, Hà Tiên còn có những di tích lịch sử đáng chú ý. Lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đền thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Ông Bổn, chùa Quan Đế, chùa Bà Cửu Thiên, v v . . .

Phong tục xưa của người Hà Tiên được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí như sau:  “Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, quá nữa là nghề bán buôn, còn kỷ nghệ tầm thường. Ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá; ở gần núi thì hay bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng việc công; kẻ tiểu nhân thì an thường thủ phận, không gian tham trộm cướp. Nhiều người hào hiệp và hay trau giồi hoa sức, đàn ông ra đường hay che dù, đàn bà con gái trùm đầu bằng khăn vải dài, con trai bới tóc hay cài khúc thoa (cái thoa cong một đầu) để cho tóc khỏi sổ; con gái trang sức sơ đạm, bới tóc thả thòng ra sau. Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo, hay đi thuyền giỏi nghề bơi nước, ưa nóng ghét lạnh; bệnh tật ít hay tìm thầy uống thuốc, ưa dùng đồng bóng và thầy phù pháp Cao Man. Gặp việc tang tế, lễ nghi theo nho mà cũng theo Phật. Có việc hoàn nguyện ắt đốt đèn trời; cưới hỏi thì dùng có ba lễ vấn danh, thỉnh kỳ, và thân nghinh. Tính ưa thờ Phật, những ngày tam nguyên (thượng nguyên, trung nguyên, và hạ nguyên) đều dùng hương đèn hoa quả cầu phước trước bàn Phật. Đêm nguyên đán chiêm nghiệm khí trời trong sáng thì năm ấy được mùa màng lúa thóc, hoặc khí đất trong sáng thì năm ấy được mùa ở sông biển, ấy là di tục chiêm nghiệm trong năm. Tiết đoan ngọ 5-5 âm lịch làm bánh ú có sừng để cúng tiên tổ và đua ghe; tiết thanh minh con trai con gái đi tảo mộ ông bà gọi là đạp thanh; tiết trung thu mời bạn hữu chung thưởng trăng thu, đêm trừ tịch thì thắp đèn suốt đêm gọi là “thủ tuế”. Còn tục thổ dân thì mỗi năm cứ đến tháng ba là sắm đèn hương hoa quả đến cầu phước ở chùa Hồ Tự rồi ba ngày sau có cuộc hội ẩm gọi là “hạ tuế”. Tháng 8 có lễ rước nước, tháng 10 lễ đưa nước, giống như thổ tục ở An Giang.” (tr. 85-86).

Các lễ hội của dân Khmer

Dân Khmer có hai điệu múa phổ biến: múa ăn ong và múa lên tổ. Múa ăn ong rất phổ biến ở vùng Bình An, Dương Hòa, Phú Mỹ, nơi mà nghề lấy mật ong và sáp ong rất thịnh hành trước kia. Múa lên tổ được tổ chức trong những buổi cúng tế trị bệnh, rất phổ biến ở vùng Xà Ngách, Tà Xăng, Tà Phô, Bà Lý.

Có hai lễ hội đặc biệt của đồng bào Khmer: lễ OK-OM-BÓC và hội ĐUA GHE NGO. Lễ OK-OM-BÓC là lễ cúng trăng và đút cốm dẹt, diễn ra vào ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch (15 tháng 10 âm lịch). Hội đua ghe NGO được tổ chức cùng lúc với lễ Ok-Om-Bóc. Thường được tổ chức tại ngả ba sông Tắc Cậu, quận Châu Thành.

Món ăn Hà Tiên

Hà Tiên có nhiều món ăn ngon rất độc đáo: Canh mấm tràm, vịt nấu tiêu, món móc cá, món giả cầy, canh cà na nước, cơm cơi buôi, món cà xỉu móng tay, nham cua, cá xào lăn.

Hà Tiên có các thứ bánh dân gian rất đặc biệt: Bánh óc, bánh lọt xiêm, bánh thốt nốt, bánh trứng sam, bánh chài, cốm chùi, chè hột me.

Các nhóm đảo trong Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Kiên Giang

Đặc điểm quan trọng trong vùng biển Tây Nam là sự hiện hữu của rất nhiều hòn đảo. Có trên một trăm đảo lớn nhỏ chia làm 6 nhóm quần đảo và các đảo lẻ: nhóm Hải Tặc, nhóm Bà Lụa, nhóm Nam Du, nhóm Hòn Khoai, nhóm Phú Quốc và An Thới, nhóm Thổ Châu và những hòn đảo khác nằm rải rác đơn độc như Hòn Nghệ, Hòn Tre, Hòn Rái, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc.

Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc, diện tích 568 km2, rộng hơn quốc gia Singapore, dài 52 km, chiều rộng từ 3 đến 29 km. Phú Quốc cách Mủi Nai, Hà Tiên 46 km, cách Rạch Giá 114 km. Núi và rừng chiếm phần lớn diện tích đảo (có đến 99 ngọn núi). Vùng biển Phú Quốc là một trong những ngư trường phong phú nhất của Vịnh Thái Lan. Đánh cá và bắt thủy sản là nghề truyền thống của người dân Việt ở đây. Một báo cáo của phái đoàn quan sát về Phú Quốc gởi Thống Đốc Nam Kỳ hồi 1898 có ghi:”Đảo Phú Quốc có khoảng 500 dân đinh. Người An Nam không trồng trọt. Tất cả đều làm nghề chài lưới, rành rõi hơn mà lại sanh lợi hơn.” Từ nghề đánh cá, người dân Phú Quốc đã sản xuất loại nước mắm nổi tiếng: nước mắm Hòn Phú Quốc. Quyển Monography de la province de Hà Tiên, 1901, có đoạn ghi :”Nước mắm Phú Quốc tập trung ở Dương Đông, vừa là lỵ sở của Tổng Phú Quốc, vừa là trung tâm kỷ nghệ nước mắm của toàn Nam Kỳ”. Mỗi năm trung bình ở đây sản xuất lối ba đến bốn triệu lít nước mắm.

Rừng chiếm khoảng 85% diện tích với 929 loài thực vật, trong đó còn những khu rừng nguyên sinh thuộc hệ rừng cao vùng nhiệt đới. Các loài động vật cũng rất phong phú. Ở đây vẫn còn nhiều thú rừng như trâu, bò, heo, nai chồn, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn.

Dân Phú Quốc gần đây sản xuật rất nhiều hồ tiêu có giá trị.

Phú Quốc không nằm lẻ loi, mà nằm trong nhóm đảo An Thới. Nhóm đảo này gồm 15 đảo lớn nhỏ ở phía Nam của Phú Quốc, khiến Phú Quốc ít bị sóng gió, và trở thành cảng biển lý tưởng trong Vịnh Thái Lan. Phú Quốc hiện có 60,000 cư dân sanh sống.

Lớn thứ nhì sau Phú Quốc là Hòn Rái. Hòn Rái còn có tên là Lại Sơn hoặc Sơn Rái, diện tích hơn 12 km2.

Hòn Tre, nhỏ hơn Hòn Rái, diện tích chỉ hơn 4 km2, nhưng có địa vị quan trọng, vì đây là huyện lỵ của huyện Kiên Hải.

Hòn Nghệ nằm giữa đường Rạch Giá đi Phú Quốc. Diện tích khoảng trên 4 km2 có 1,350 người sinh sống. Hòn Nghệ là một xã thuộc huyện Kiên Hải.

Quần đảo Nam Du gồm 21 đảo lớn nhỏ, trong đó có 7 đảo có người sinh sống và 8 đảo chìm, có đảo chưa có tên.

Quần đảo Hải Tặc gồm 16 đảo lớn nhỏ. Sở dỉ có tên như vậy (cả quốc tế đều biết Iles des Pirates) vì người ta cho rằng bọn cướp biển thường dùng đảo này làm sào huyệt.

Văn Học Hà Tiên

Sau khi nhận định về phong cảnh Hà Tiên, Đông Hồ đã đi đến kết luận rằng:” Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, Văn Học Miền Nam – Văn Học Hà Tiên, Quình Lâm xuất bản, 1970, tr. 27). Văn chương phát sinh sớm nhất ở đây là các tác phẩm và tác giả trong tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích sáng lập hồi năm 1736. Văn đàn gồm từ 32 đến 37 người, phần lớn là người Trung Hoa, sống ở Quảng Đông và có thể chưa hề đến Hà Tiên bao giờ. Theo Trịnh Hoài Đức thì tao đàn đã sản xuất 6 tác phẩm: (1) Hà Tiên Thập Cảnh Toàn Tập, (2) Minh Bột Di Ngư Thi Thảo, (3) Hà Tiên Vịnh Vật Thi Tuyển, (4) Châu Thị Trinh Liệt Tặng Ngôn, (5) Thi Truyện Tặng Lưu Tiết Phụ, và (6) Thi Thảo Cách Ngôn Vịnh Tập. Ngoài 6 tác phẩm trên Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh. Thụ Đức Hiên là thư trai của Mạc Thiên Tích. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 40 năm hoạt đông của tao đàn Chiêu Anh Các. Rất tiếc là thời gian và chiến tranh đã làm thất lạc gần hết, nay chỉ còn Hà Tiên Thập Vịnh. Đây là nhan đề 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên:

Kim Dữ lan đào
Bình San diệp thúy
Tiêu Tự hiểu chung
Giang Thành dạ cổ
Thạch Động thôn vân
Châu Nham lạc lộ
Đông Hồ ấn nguyệt
Nam Phố trừng ba
Lộc Trĩ thôn cư
Lư Khê ngư bạc

và một bài “Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh” của Mạc Thiên Tích:

“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẩm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn giòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sửng muôn năm cũng để dành.”

Nói đến Mạc Thiên Tích thì không thể không nhắc đến câu chuyện tình của ông với cô Nguyễn Thị Xuân và am tự Phù Cừ. Chuyện kể vào đêm Nguyên Tiêu năm Bính Thìn (1736), Mạc Thiên Tích mở dạ tiệc, khai trương Chiêu Anh Các. Giữa dạ tiệc có một chàng trai dáng người nho nhả thanh tú, ngâm lên 8 câu thơ:

“Đêm xuân hội mở tuần trăng mới
Đốt hỏa đèn dưa sánh quả trăng
Áo trắng thanh vân tô điểm tích
Lòng son đơn quế dải cung Hằng.
Đây Chiêu Anh Các lời châu ngọc
Kìa Quảng Hằng Cung rạng tuyết băng.
Non nước thần tiên mừng có chủ
Cỏ nhàn mừng tỏ mặt hoa đăng.”

Mến tài người trai trẻ, Mạc Thiên Tứ kết làm bạn văn chương. Nhưng người đó không phải là nam giới mà là một người đẹp giả trai. Cô tên Nguyễn Thị Xuân, người Quảng Ngãi, theo cha vào Hà Tiên buôn bán. Sợ bị cướp hại đời cô nên cô phải giả trai. Mạc Thiên Tích đem cô về làm vợ lẻ. Vợ lớn ghen, nhân khi Mạc Thiên Tích bận việc quan, bà đem cô vợ nhỏ bỏ vào trong một cái lu đậy kín lại. Cô Xuân ngộp thở, suýt chết, thì Mạc Thiên Tích vừa về tới. Trời sắp mưa to, Mạc Thiên Tích cho mở hết mấy nắp lu ra để hứng nước. Nhờ đó cứu được cô Xuân. Buồn tình cô Xuân xin được đi tu. Mạc Thiên Tích cho cất cái am ở Phù Cù cho cô tu hành. Sau này khi cô mất rồi thì có một thi sĩ (không biết tên) đã viết bài thơ:

“Ngó lên am tự Phù Cừ
Thương cho người ngọc giả từ lầu son.
Về đây nương chốn thiền môn
Tay lần chuổi hạt cho mòn ngày xanh.
Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi kia chi để vươn cành hoa sen.
Nước trong không rửa đánh phèn
Cửa thiền thanh tịnh não phiền sạch không.”

Văn chương Chiêu Anh Các là văn chương chữ Hán và chữ Nôm. Sau Chiêu Anh Các tình hình bất ổn đã không cho phép có những áng văn chương tiếp nối. Mãi đến đầu thế kỷ XX, sau khi Nam Kỳ Lục Tỉnh đã trở thành thuộc địa của Pháp, nền tân học với văn chương, báo chí chữ Quốc Ngữ thành hình và có cơ sở vững vàng, Đông Hồ Lâm Tấn Phác mới mở đầu cho văn mới ở Hà Tiên. Tác phẩm Linh Phượng Lệ Ký của ông đã một thời làm say mê người đọc. Ông có lập Trí Đức Học Xá. Năm 1964 ông được mời làm giảng sư trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, phụ trách chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, chuyên về văn học Miền Nam, đặc biệt là văn học Hà Tiên.

Một trong những người do Trí Đức học xá đào luyện, và trở thành vợ và bạn thơ của Đông Hồ là Mộng Tuyết Thất tiểu muội Thái Lâm Úc. Bà có tập thơ Phấn Hương Rừng được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn. Những truyện ngắn của bà, cùng với những tuyển tập Dưới Mái Trăng Non, Nàng Ái Cơ trong chậu úp cũng rất được người đọc tán thưởng.

Đông Hồ và Mộng Tuyết là hai nhà thơ Miền Nam có mặt trong quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân.

Một nữ sĩ có tiếng khác là cô Nguyễn Thị Kiêm, bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh. Cô từng là Tổng Thơ Ký của hội Ái Hữu Nữ Sinh Gia Long thời xưa, từng đi diễn thuyết ở nhiều nơi về quyền của người phụ nữ, từng vẽ ra cuộc đời lý tưởng của phụ nữ Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Có lần cô diễn thuyết ở nhà hát lớn Hà Nội với mấy ngàn người tham dự.

Những áng văn chương, những công trình biên soạn ghi dấu sinh hoạt trí thức của người Hà Tiên không làm mất đi những bài thơ bình dân, mộc mạc của người dân Rạch Giá:

“Ở Hà Tiên mần ăn không khá
Anh về Rạch Giá anh bán cá mòi
Thương nhau không được ngỏ lời
Nước trôi thăm thẳm biết đời nào nên.”
“Chiều trông về núi Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm.
Trâm đồi mồi tóc em em giắt
Mắt anh nhìn thương thiệt là thương.
Dãi dầu một nắng hai sương
Tóc em vẫn mượt mùi hương vẫn còn.”
“Tóc quăn chải lược đồi mồi
Cải đứng chải ngồi quăn vẫn còn quăn.”
“Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn
Con sông Giang Thành chỗ cạn chỗ sâu.
Thăm em anh phải bắc cầu
Lội sông sợ ướt cái đầu hết duyên.”
“Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như cánh chim bay
Cánh chim bay người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông. . .
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn
Bậu lỡ thời ai muốn bạn đâu.”

Trích bài viết RẠCH GIÁ – HÀ TIÊN của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đăng trên www.namkyluctinh.org

Xếp hạng

Bài viết liên quan